11/12/08

Giải pháp nào khi suy thoái…

Khi hoạt động công ty có chiều hướng suy thoái, câu hỏi đặt ra là công ty sẽ đối phó thế nào với khó khăn tiếp theo trong tương lai. Cần phải làm gì để đối phó và giải quyết những vấn đề đó trong khi đang cố gắng duy trì những vấn đề đang tồn tại?
Trong tất cả những cuộc họp bàn về sự suy thoái có thể xảy ra đối với công việc kinh doanh, làm thế nào tôi có thể giúp nhóm làm việc tập trung vào những vấn đề đang tồn tại mà vẫn ý thức được những khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai?
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đặt ra một câu hỏi sâu sắc và mang đầy tính thách thức như vậy.

Tôi (Marshall Goldsmith – Tác giả bài viết) đã có vinh dự được làm việc với rất nhiều nhà lãnh đạo lớn cũng như một vài lần được chứng kiến những thảm họa trong kinh doanh.

Khi công việc diễn ra trôi chảy thì việc truyền cảm hứng cho người khác là rất đơn giản, nhưng người lãnh đạo tốt nhất phải là người biết truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên của mình ngay cả khi công ty đang rơi vào những hoàn cảnh khó khăn.

Tôi xin đưa ra ba gợi ý để trả lời cho câu hỏi của bạn căn cứ vào những điều tôi đã học hỏi được từ những khách hàng của mình.

1. Người đầu tiên cần giữ tập trung chính là BẠN

Khó khăn là lúc con người dễ vấp ngã nhất. Khi bạn đảm đương vai trò trưởng nhóm thì cũng có nghĩa bạn đã nhận về mình một trách nhiệm vô cùng quan trọng, đó là trở thành tấm gương cho cả nhóm. Khi tương lai phía trước còn chưa rõ ràng thì những thành viên trong nhóm sẽ luôn trông vào nét mặt của bạn, lắng nghe từng lời nói cũng như ngữ điệu của bạn. Bạn cần phải giữ cho mình động lực làm việc không đổi, dù cho tương lai có sáng lạn hay đầy thử thách. Trước khi rời văn phòng, bạn hãy tự trả lời câu hỏi: “Hôm nay mình đã học được gì từ sự nhiệt tình và tập trung của những thành viên trong nhóm làm việc?”

2. Đừng “bọc đường” cho sự thật

Đừng lừa dối thành viên trong nhóm cũng như đừng tự lừa dối chính mình. Bạn, nhóm làm việc và cả tổ chức của bạn cần vạch ra một định hướng mang tính thực tế. Sự cần thiết trong việc vạch ra “những mục tiêu lâu dài” phải đi đôi với thực tế. Tôi đã từng chứng kiến một “nhà quản lý rất giỏi dẫn dắt cơ quan của mình đi tới thất bại”. Lý do là ông ta quá tập trung vào việc đạt được những mục tiêu đã công bố công khai mà không muốn đối mặt với sự thật về những dự đoán không mấy khả thi từ các nhân viên của mình.

Người quản lý ấy luôn nói: “Đó là điều không thuyết phục!” khi nghe được những dự đoán phiền hà. Thậm chí mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi ông ta hứa với cấp trên là sẽ đạt được những mục tiêu tích cực (nhưng rõ ràng là phi thực tế) của mình.

Chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được kết cục của việc này. Những mục tiêu của nhà quản lý đã đề ra không đạt được, những nhà phân tích trong công ty, tổ chức thì vô cùng tức giận còn giá trị thị trường của công ty này thì tụt dốc thảm hại.

Rốt cuộc, người quản lý đã không chỉ hủy hoại danh tiếng (một người quản lý đáng tin cậy) của mình, mà thậm chí ông ta còn hủy hoại cả danh tiếng của ông chủ, người đã đặt niềm tin vào ông ta.

3. Tập trung bàn luận vào những điều có thể hoặc không thể thay đổi trong mỗi cuộc họp

Luôn luôn có những nhân tố môi trường không thể kiểm soát gây ảnh hưởng tới sự thành công của một công ty. Nhân viên của bạn có thể lãng phí hàng giờ chỉ để bàn luận về vấn đề khó khăn gặp phải như thế nào và than thở về những điều họ không thể thay đổi.

Đó là sự sao lãng không cần thiết trong khi điều quan trọng nhất là cần tập trung cao độ để giải quyết vấn đề. Tìm cách trả lời câu hỏi “Chúng ta không thể làm được điều gì?” đã là tồi tệ, nhưng sẽ tồi tệ hơn nếu lãng phí thời giờ cho câu hỏi “Tại sao chúng ta không thể làm được những điều mà chúng ta không thể làm?”.

Trong những buổi họp nhóm, hãy luôn đặt câu hỏi: “Giả sử thực tế doanh nghiệp đang tồn tại, làm thế nào để có thể tạo ra được sự khác biệt tích cực nhất, khả thi nhất trong tương lai của chính chúng ta?”.
Theo Vietnamnet (Bản quyền @Harvard Business School Publishing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét