19/3/09

CÂU CHUYỆN TÌNH CẢM ĐỘNG ĐẦY NƯỚC MẮT

Dear all
Xin chia sẻ với cả Phòng mình một câu chuyện đầy cảm động và rơi lệ. Nó là một câu chuyện có thật xảy ra trong đời thường, mà hoàn cảnh của nó có thể giống như bất cứ ai đã và sẽ có gia đình có thể xảy ra nếu chúng ta không có cách ứng xử một cách khôn ngoan và khéo léo. Hãy luôn trân trọng những tình cảm mà chúng ta đang có - Đó là thông điệp của câu chuyện và người chia sẻ câu chuyện này. Chúc mỗi thành viên của Phòng mình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
Thế Tâm.


CÂU CHUYỆN TÌNH CẢM ĐỘNG ĐẦY NƯỚC MẮT
Những hiểu lầm vô tình nối tiếp, đã làm vấp những bước chân của hạnh phúc. Khi số mệnh bắt ta trả giá, tất cả đã trở nên muộn màng. Đây là một câu chuyện có thực và đầy nước mắt.

1. Mẹ ở quê lên
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.
Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.
“Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.
Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.
Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thân hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo. Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.
Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi. Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo: “Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!”.
Tôi cười: “Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ”.
Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười: “Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!”.
Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng. Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn. Chồng tôi véo mũi tôi nói: “Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?”.
Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trôi những âm điệu không êm đềm.
Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?
Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà.
Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất ấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng. Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.
Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi; Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa. Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đóng cửa phòng đánh “sầm” một cái, nằm bên trong khóc ầm ĩ.
Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh: “Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?”.
Anh trừng mắt nhìn tôi nói: “Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?”.
Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.
Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận “trọng trách” này. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.
Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi: “Rodi, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?”. Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.
Cuối cùng, chồng tôi thở dài: “Rodi, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?”. Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.
Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa (chú thích: người Trung Quốc ăn cháo bằng đũa, không dùng thìa như ở Việt Nam) nhảy bổ vào toa-lét, nôn ọe hết.
Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý.
Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.

2. Những tháng ngày tăm tối
Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa? Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi: “Rodi, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào”.
Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai. Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn ọe, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi.
Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.
Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua. Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng: “Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!” và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.
Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh. Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền.
Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự. Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại “ồn ào” lăn xuống.
Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ. Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo: “Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn giao thông, đang trong viện”.
Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.
Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệch xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này? Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc.
Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe buýt đã đâm thẳng vào bà… Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như… trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.
Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói. Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.
Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.
Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Âu, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.
Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn. Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém.
Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.
Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.
Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh. Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.
Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra. Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi.
Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.
Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo: “Anh chờ chút, tôi ký!”. Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.
Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình: “Không khóc, không khóc…”. Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra. Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.
“Rodi, em có thai à?”.
Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ “tới tấp” tràn xuống má.
Tôi đáp: “Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!”. Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.
Không biết chồng tôi đã nói “Anh xin lỗi em!” với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi. Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Phía tôi, là vô ý; còn anh, là cố tình.
3. Hận cũ hóa giải, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!
Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh.
Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.
Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?
Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh.
Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính “lạch cà lạch cạch”, có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.
Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi.
Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấm áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: “Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?”.
Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp. Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh… Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi… Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.
Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: “Phải chuẩn bị hậu sự đi!”.
Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là… Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi: “Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố… Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể.
Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố… Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất…”.
Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.
Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:
“Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời… Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh… Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi…”.
Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: “Anh mở mắt cười một cái nào, em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố…”.
Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh “lách tách”, để mặc nước mắt chảy dọc má…
Liên Thục Hương Trang Hạ dịch

5/3/09

Một buổi làm việc với khác hàng - Thân mật và vui vẻ

Tôi post bài này vì đây là một buổi làm việc thân mật, cởi mở và có nhiều kỷ niệm nho nhỏ.


Có thể nói từ khi vào FAST, đây là lần công tác đầu tiên mà tôi dậy sớm, bắt đầu dậy từ 5h30 sáng. Tôi là người ngủ rất sâu, vì vậy buổi tối trước tôi đã hẹn 3 cái đồng hồ + điện thoại, đồng thời tôi cũng gọi cho Hoài 2 lần để nhắc 5h45 qua đón (hix, hôm sau tôi còn thấy ái ngại vì Hoài bảo ngủ mà vẫn bị ám ảnh 5h45).

Thức dậy, tôi chuẩn bị và đi đến đón Hoài, lúc đó khoảng 5 giờ kém 10, tôi đã chậm hơn 5’. Đưa Hoài đến công ty lại bị bố Phúc mắng tội đi muộn, tôi liền chìa con BB của tôi ra, đúng 6h. “con đúng hẹn đấy chứ” tôi nói. “Mày đúng hẹn cái gì, chậm mất 10’ rồi còn cãi”, bố Phúc vừa cười và mắng tôi. “đi hơn về kém mới hên” tôi liền bào chữa. Hóa ra điện thoại của tôi chậm hơn đồng hồ của Bố 10’ liền.

Tôi, Hoài, Thái và bố Phúc lên xe Zace và khởi bánh từ công ty lúc 6h’10 phút, chúng tôi tới cuối đường Hai Bà Trưng để đón anh KhánhNQ, anh đi từ nhà lên. Chưa thấy anh Khánh đến, chúng tôi ngồi ăn sáng tại đó trong lúc chờ đợi.

Trên đường đi, mọi người nói chuyện với nhau khá vui vẻ. Bắt đầu tới Đông Chiều, một màu đen của than xuất hiện bên ven đường, cây cối, nhà cửa, xe cộ đều nhuộm màu đen. Tôi đi qua tuyến đường này chắc phải mười mấy lần rồi nhưng toàn ngủ nên ko để ý. Qua Mạo Khê, tới Uông Bí, chúng tôi rẽ trái để vào đường đi đến chỗ khách hàng. Đường này là đường chở quặng, than, đất đá… nên đường rất xấu, bụi bẩn và đen ngòm. Càng đi đường càng xấu, xe ca, xe tải càng nhiều. Đường vào chỗ khách hàng từ Uông Bí vào khoảng 15 km, nhưng càng vào trong thì dường như càng giống đường lên Tam Đảo, quanh co, khúc khủy. Hai bên là đồi, núi, rừng cây mới lớn…Đi được một quãng tôi nghĩ là sẽ chậm hơn so với lịch khoảng 10’, vậy là tôi liền gọi cho ông Albar, “Mr. Albar, it’s Tai from Fast software, I’m on the way to your office, but I think we’ll be late a litte, maybe, I’ll be there at 9:40 am”. Albar cười và trả lời là không có vấn đề gì. Vào tới cửa công ty tôi thấy rất nhiều xe công trường to đang làm việc tất bật. Tôi gặp anh bảo vệ, tôi bảo chúng tôi vào làm việc với Albar. Anh bảo vệ nói “Albar nào”. “Ông Albar, giám đốc người indo ạ” tôi nói. “không có ông Albar nào cả”. hix, tôi cũng ko làm việc với người Việt nào tại công ty này, tôi chỉ làm việc với mỗi một mình Albar thôi. Thế là tôi đành gọi lại cho Albar, Albar bảo anh Đức gọi lại cho anh bảo vệ là cho chúng tôi vào.

Vào tới công ty tôi gặp Albar và 3 người Indo khác. Albar là người rất giống người Indo, trông rất giống dân nghệ sĩ, mái tóc dài cộng với chòm râu khá manly và trông rất giống James Hetfield của ban nhạc Metallica mà tôi thích. Albar có hỏi tôi về chuyến đi như thế nào, có mệt không. Còn tôi thì hoàn toàn thấy bình thường. Khi bước vào phòng làm việc, mọi người đông đủ. Tôi giới thiệu mọi người bên FAST, còn Albar giới thiệu bên họ, 3 người Indo, tôi chỉ nhớ mỗi anh Susanto, rất rễ nhớ mà. Anh susanto là quản lý tài chính, trông anh giống người Hoa hơn. Còn lại hai người thì trong đó có một anh trông rất rất giống người Việt Nam, còn một chị thì đen xì đặc người Indo. Ngoài ba người Indo còn có anh Đức là người Việt nam, anh Đức cũng khá lành tính và cũng biết một chút tiếng Anh, chắc chỉ vài từ về chuyên môn thôi.

Chúng tôi bắt đầu làm việc, đầu tiên tôi giới thiệu phần overview về công ty. Tiếp đó, anh Khánh, tôi, và Hoài cùng hợp sức demo giải pháp FF. Nhưng chủ yếu là Hoài giới thiệu, Dù mới là lần thứ 2 Demo FF, nhưng Hoài demo cũng rất trôi chảy. Vừa giới thiệu, khách hàng vừa hỏi về chương trình cũng như áp dụng bài toán của họ vào trong chương trình, thấy mọi người đều khá hài lòng về chương trình FF, chỉ có vài vấn đề mà họ muốn có giống như ở bản FB. Thoắt một lúc đã tới 12h30, Albar bảo chiều tiếp tục làm việc về phần Payroll và Costing, còn giờ thì mời mọi người đi ăn cơm đã.

Mọi người để đồ đặc lại trong phòng họp và mấy người Indo đi lên nhà ăn dành cho quản lý cách đó không xa, khoảng 300m. Chúng tôi vừa đi, vừa nói chuyện, vừa nhìn khung cảnh núi và mỏ than đang khai thác. Trong phòng ăn rất sạch sẽ, trong đó có rất ít bàn ăn và được bố trí ngồi kiểu của Nhật bổn, có cả truyền hình vệ tinh đang chiếu kênh của Indo. Lúc này chỉ có một bàn 4 người đang ngồi ăn và một bàn dài dành cho 10 người đang chờ chúng tôi. Albar mời mọi người ngồi xuống và ăn uống rất vui vẻ. Mâm cơm khá thịnh soạn giống mâm cơm của Việt Nam, gồm có: canh rau muống, thịt gà, thịt bò….Có món lá Sắn là lạ với những người đến từ FAST, chúng tôi có hỏi qua chị đầu bếp thì chị bảo làm món này khá cầu kỳ. Ngoài ra, trên bàn ăn còn có một ca lipton ngọt lịm được rót cho mỗi người một cốc thủy tinh khá to, ai muốn lạnh thì lấy thêm ít đá. Người Indo rất thích uống đồ ngọt. Tôi có hỏi Albar, người Việt Nam thường có thói quen uống bia, rượu trong khi ăn, còn người Indo lại có thói quen uống đồ ngọt sao?. Albar có trả lời đúng là người Indo thích dùng đồ ngọt, anh ta trêm vào một câu, vậy thì mới béo như thế kia, Albar vừa nói vừa chỉ sang một anh ngồi bàn bên cạnh, một người mập quá khổ. Anh cũng bảo trà của Việt nam và trà của Trung Quốc uống không có vị gì cả, uống rất chán.

Chúng tôi vừa ăn, vừa nói chuyện, đặc biệt 4 người bạn Indo đều rất hài hước. Mọi người đều biết được vài từ, vài câu tiếng Việt, họ còn tranh thủ học thêm vài câu tiếng Việt. Tôi và Hoài giải thích một vài phong tục ăn uống của Việt Nam. Chúng tôi ăn cơm rất thân mật, tôi chưa bao giờ đi ăn uống với người nước ngoài thân mật như vậy, vừa cười vừa trêu đùa nhau, như kiểu hai bên đã có buổi làm việc thành công, mặc dù công việc còn đang rất dở dang. Tôi thấy rằng người Indo cũng rất cởi mở và vui tính. Chúng tôi dùng bữa trưa hết khoảng gần tiếng, cảm giác thời gian trôi khá nhanh.

Ăn xong mọi người đi về phòng họp làm việc mà không nghỉ ngơi. Lúc đó vào khoảng 13h30, buổi chiều là phần khảo sát của chúng tôi nên công việc căng thẳng hơn. Anh Khánh là người vất vả nhất khi phải khảo sát toàn bộ, còn tôi, Hoài và Thái thì chỉ ngồi nói chuyện với mấy anh Người Indo (anh Khánh làm việc với anh Đức). Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, chuyện về công ty mẹ bên Indo như thế nào? chuyện lịch sử làm việc của mọi người, chuyện công việc của chúng tôi, chuyện chúng tôi triển khai dự án như thế nào....

Tới phần nhân sự - payroll, Albar có mời chị Yến (bộ phận nhân sự) lên phòng họp để trao đổi. Khi trao mọi người trao đổi, tôi chỉ buồn cười cách nói chuyện của chị Yến, chị nói tiếng Anh và tiếng Việt Kết hợp nhau khiến cả Tôi và Hoài đều buồn cười mặc dù không dám cười to, chị Yến cũng là một người vui tính. Lúc chị Yến nói “bên em theo dõi nhân sự vừa hiện đại, vừa nhà quê”. Albar liền nhún vai cười nói một câu “anh không nhà quê đâu nhé Yến”, cái cách nói hài hước khẳng định như kiểu chứng minh là mình không phải “nhà quê” và tiếng việt lớ lớ làm tất cả mọi người đều cười ầm lên. Làm việc khoảng tiếng giữa nữa, công việc cũng kết thúc. Chúng tôi ngồi lại cùng nhau và chốt lại toàn bộ nội dung của buổi làm việc. Tôi nhìn vào đồng hồ, lúc này đã gần 15h30, cuối cùng thì mọi việc đã hoàn tất. Các bạn Indo tiễn chúng tôi ra về, còn các thành viên FAST thì bắt tay khách hàng, ra ngoài cửa chúng tôi còn chụp một hai pô ảnh làm kỷ niệm.

Xong xuôi, mọi người nhảy lên xe Zace của Bố đi về. Tới Uông Bí thì anh Khánh và Thái xuống xe bắt xe khách về Cẩm Phả, còn tôi, bố và Hoài tiếp tục lên xe Zace chạy về Hà Nội.


2/3/09

Chinh phục Fansipan “Nóc nhà Đông Dương”

** GIỚI THIỆU VỀ FANSIPAN **

Phanxipăng là đỉnh núi cao nhất Đông Dương với độ cao 3.143 m. Du khách muốn chinh phục ngọn núi có thể đi theo các tour của các công ty lữ hành chuyên nghiệp hoặc với sự dẫn đường của người bản xứ. Dịp này, nhà leo núi sẽ được tận hưởng phong cảnh lãng mạn giữa chốn hoang vu. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Hà Nội đến Lào Cai bằng tàu hỏa trên quãng đường dài 333 km. Rồi từ Lào Cai, du khách lên Sapa bằng ôtô qua 38 km. Sau đó từ Sapa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ôtô hoặc xe ôm. Tại đây có một người dân tộc H’mong, Dao làm nghề cửu vạn phục vụ khách leo núi. Trước kia từ Sapa lên đỉnh Phanxipăng và quay trở về mất khoảng 5-6 ngày. Hiện nay, thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày. Nhưng hành trình phổ biến nhất với khách du lịch hiện nay là ba ngày. Sáng đầu tiên, khách đi ôtô từ Sapa đến đỉnh đèo Trạm Tôn. Bắt đầu chuyến leo núi ở đó, đi xuyên qua các dãy núi, du khách sẽ dừng chân ở một địa điểm cao khoảng 1.900 m cạnh suối, sau đó cùng cắm trại, nấu ăn và nghỉ qua đêm ở đây. Ngày thứ hai, khách sẽ leo lên tới đỉnh Phanxipăng cao 3.143 m và nghỉ ăn trưa trên đỉnh, đây là quãng đường vất vả nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Sau đó du khách quay về trại nghỉ đêm thứ hai. Ngày thứ ba từ trại quay về Sapa theo một đường khác. Xe sẽ đón du khách ở chân núi đưa về Sapa. Mỗi đoàn leo núi sẽ có ít nhất hai hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường. Ngày thứ hai khi du khách lên đỉnh Phanxipăng, một trong hai người sẽ ở lại trại nấu ăn. Ở gần đỉnh núi, du khách có thể hái măng về cho bữa ăn. Việc nấu nướng cũng rất khó khăn, du khách phải đi kiếm củi, làm bếp. Ban đêm thường mưa và nhiệt độ hạ xuống rất thấp. Một quy định cho các nhà leo núi ở đây là không được xả rác trong rừng, tất cả sẽ được mang theo rồi đốt đi. Những người chinh phục đỉnh núi này cần sức khoẻ, lòng can đảm, sự sẵn sàng chịu đựng khó khăn. Các vật dụng hữu ích cho cuộc leo núi này gồm giày leo núi, áo mưa, lều, túi ngủ, thuốc men cá nhân, kẹo ngọt ăn để tăng glucose trong máu khi leo núi giúp giảm cảm giác tức ngực và khó thở khi lên cao. Việc hạn chế số lượng đồ dùng cá nhân giúp giảm trọng lực và làm việc leo núi dễ dàng. Thời điểm để chinh phục Phanxipăng thích hợp là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, đường lên nóc nhà Đông Dương đẹp nhất là vào khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa đua nhau nở rộ. ĐỈNH PHAN-XI-PĂNG - NÓC NHÀ VIỆT NAM Phan-Si-Păng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, theo tiếng địa phương là Hua-Si-Pan, có nghĩa phiến đá khổng lồ chênh vênh. Phan-Si-Păng với đỉnh cao 3143m là ngọn núi cao nhất Việt Nam và của cả Đông Dương.
Do đó, Phan-Si-Păng được coi là nóc nhà Đông Dương. Muốn chinh phục đỉnh Phan-Si-Păng xin mời theo Tour du lịch sinh thái, đó là con đường mở ra cho những ai có lòng khám phá vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên cũng là dịp được thử sức mình. Đường lên Phan-Si-Păng không có vách đá, núi tuyết mà chỉ có dốc trơn trợt, rừng um tùm, ẩm ướt, lạnh lẽo.
Nơi đây có khu bảo tồn thiên nhiên gồm những cánh rừng ôn đới với loại tùng hoa vàng rực rỡ và rừng cận nhiệt đới. Đây là môi trường sống của 2024 loài thực vật, 327 loài động vật quý hiếm gồm nhiều loài thú, bò sát, lưỡng thê và sâu bọ. Đến đây bạn được nhìn thấy một số loài thú, loài chim quý hiếm như cu rốc mép đỏ, sẻ đeo nơ, két mỏ trắng v.v… Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan Si Păng… Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn…Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả SaPa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài. Lên cao 2.400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên…Đất xương xẩu trơ cả gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá… Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Si Păng đấy! Tiếng địa phương gọi "Hua-si-pan", nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Si Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy. Phan Si Păng được ví là nóc nhà Việt Nam và của Đông Dương sừng sững đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.

Chinh phục Fansipan “Nóc nhà Đông Dương”
Ngắm nhìn 1 phần thế giới ở độ cao 3.148m

A. Thời gian: dự kiến là 3 ngày, 4 đêm (bắt đầu từ tối T6 3.4.09, sáng T3 7.4.09 sẽ về đến HN).
B. Cung đường:
+ Hà Nội – Lào Cai: đi tàu 333 km.
+ Lào Cai – Sapa: đi ô tô 38 km.

Chọn tuyến đường đi phụ thuộc vào sức khỏe và thời gian của đoàn. Đoàn sẽ thuê porter để dẫn đường nên sẽ trao đổi với họ để có tuyến đường hợp lý nhất ^^

Một số tuyến đường chinh phục Fans (mọi người xem tham khảo)

1/ Tuyến: Đi Cát Cát (độ cao 1.500 m) – về Trạm Tôn (độ cao 2.000 m)
Tham khảo http://phonglansapa.com/vi/tour-fansipang-4-ngay-3-dem-option-2.html
+ Sáng thứ 7, đi ô tô từ Sapa lên bản Cát Cát, xuất phát từ Cát Cát lúc 9h.
+ Tối thứ 7, cắm trại ở độ cao 2.200 m.
+ Chủ nhật, leo lên độ cao 2.900 m, nghỉ tối tại độ cao 2.700 m.
+ Thứ 2: chinh phục đỉnh Fansipan, độ cao 3.143 m, mất khoảng 2h30’ đến 3h thì lên tới đỉnh. Ăn trưa xong đi xuống đến 8h tối về tới chỗ nghỉ.
+ Thứ 3: về Trạm Tôn, về Sapa ăn trưa, nghỉ ngơi, dạo chơi, chiều lên xe về ga Lào Cai lên tầu về Hà Nội.

Nhận xét sơ bộ: tuyến này cảnh vật đẹp, khá an toàn, phù hợp với thể lực của đoàn không trâu bò, lên được đỉnh cao nhất của Fans, nhưng lại phải đi trong 4 ngày – 3 đêm (tức là thêm 1 ngày so với kế hoạch). Vì vậy sẽ do mọi người thống nhất lại, nên nghỉ thêm 1 ngày để chinh phục đỉnh cao nhất hay cố sống cố chết mà hoàn thành trong 3 ngày – 2 đêm như kế hoạch.

2/ Tuyến: Đi Trạm Tôn – Về Sín Chải
+ Sáng thứ 7, đi ô tô từ Sapa lên Trạm Tôn.
+ Tối thứ 7, cắm trại tại độ cao x.xxx m (tùy thuộc vào đoàn thôi :D)
+ Chủ nhật, chinh phục đỉnh Fansipan.
+ Thứ 2: về Sín Chải

Nhận xét sơ bộ: tuyến này có vẻ như đi dễ (so với các tuyến khác thôi chứ nói là dễ để đi thì cũng không hẳn), về cũng khá hợp lý do đã có ý kiến nói rằng về bằng đường Sín Chải khá dốc > xuống dễ hơn leo lên, không an toàn lắm *.*, phù hợp với thể lực của đoàn không trâu bò, lên được đỉnh cao nhất của Fans.


3/ Tuyến: Đi Trạm Tôn – Về Trạm Tôn
Tham khảo http://vn.myblog.yahoo.com/hhdsfansipan/article?mid=175

Nhận xét sơ bộ: là tuyến đường dễ nhất để hoàn thành.

4/ Tuyến: Đi Sín Chải – Về Trạm Tôn
Tham khảo http://phonglansapa.com/vi/tour-fansipan-3-ngay-2-dem.html
Ngày thứ 1:
+ Sáng 6h có mặt tại Ga Lào Cai
+ 8h đón ôtô lên cửa rừng Sín Chải
+ Sín chải - 2200m.
Ngày thứ 2 :
+ Đỉnh 2.200m - Đỉnh Fansipang - 2.700 - Cắm trại nghỉ đêm.
Ngày thứ 3: Từ 2700 - Sa Pa.
+ 11h đón xe tại Trạm Tôn về Sapa. Buổi chiều dạo chơi Sa Pa.
+ Buổi tối 19h, đi xe ra ga Lào Cai.

Nhận xét sơ bộ: không lên được đỉnh cao nhất của Fans 

Một số ý kiến về các cung đường tham khảo từ internet:
- Chọn tuyến đường đi phải phụ thuộc vào sức khỏe và thời gian của đoàn.
- Về Trạm Tôn thì nhàn do không còn nhiều những đoạn dốc nữa, vả lại mọi người cũng đã mệt nên đi như vậy là hợp lý nhất.
- Đi đường Sín Chải rất mệt vì đường dốc, nhưng là đường về thì không quá khó (chủ yếu đi bằng mông và tay). Cảnh hoang sơ và đẹp hơn so với Trạm Tôn
- Nếu còn sức thì tiếp tục quay lại con đường đã đi, còn không thì hãy mua vé cáp treo mà về (không biết có cáp ở thật không nữa :X)
- Đường đi theo thứ tự khó tăng dần: Trạm Tôn > Cát Cát > Sín Chải
- Đi đường Sín Chải rất mệt vì đường dốc, nhưng là đường về thì không quá khó (chủ yếu đi bằng mông và tay). Cảnh hoang sơ và đẹp hơn so với Trạm Tôn.

C. Chi phí: 1.500.000đ/người.
+ Vé tàu: thống nhất là tàu nằm khứ hồi (fix luôn ngày về): 500.000đ -550.000đ/vé/2 chiều nằm điều hòa.
+ Ô tô đi từ Lào Cai lên Sapa (38 km): 70.000đ/2 chuyến đi và về.
+ Thuê phòng nghỉ: 100.000đ/ngày/phòng (giá TB) (KS Apatit (cũng khá tốt, lại có 1 số dịch vụ cộng thêm: như là thuê xe máy, giá cả lại fải chăng)
+ Giấy phép tham quan (bao gồm: bảo hiểm, vệ sinh, giám sát, vé ...)
+ Thuê porter: 50$/ngày/đêm/đoàn (nếu là đi tour thì 1 porter/2 khách; đi bụi thì thường chỉ thuê từ 1-2 porter). Họ sẽ mang vác đồ để dựng lều, nấu nướng và tất nhiên là dẫn đường ^^.
+ Thuê túi ngủ + lều: nếu không có.
+ Thuê trạm nghỉ: 100.000đ/giờ (cái này là để nghỉ trong lúc leo, chủ yếu phục vụ ở tuyến đường Trạm Tôn).
+ Chuẩn bị thuốc men: 200.000đ/đoàn
• Salonpas
• Berberin
• Orezon
• Dầu con hổ
• Paracetamol
• …
+ Đồ ăn thức uống: về cơ bản sẽ chuẩn bị chung cho mọi người, gồm có: sữa tươi (6 hộp/ng), socola, nước (có thêm tí muối, chanh), hoa quả (dưa chuột, ăn vừa mát lại gọn nhẹ), bánh mỳ, pate, thịt hộp, ruốc…

LUYỆN TẬP:

Các bạn có thể áp dụng 1 số bài tập sau:
Bắt đầu chạy trước chuyến đi khoảng 3 tuần, chạy liên tục trong 1h, chạy mệt thì đi bộ không nên đứng hay ngồi nghỉ vì như vậy sẽ không muốn chạy tiếp điều nữa trước khi chạy nên khởi động kĩ càng.
- Đi bộ trên núi Nùng (Bách Thảo): 10 phút đi theo bậc cầu thang, sau đó đi bộ trên đường bằng khoảng 1 phút, tiếp theo lại đi 10 phút bậc cầu thang, cứ như vậy cho đủ 1 giờ.
- Tốt nhất là hàng ngày leo lên leo xuống cầu thang độ chục lần. :)

HÀNH TRANG:

Hành trang mang theo là rất quan trọng. Cần phân sẵn ở nhà 2 nhóm hành trang:
a. Tự mang: Thông thường khi leo núi rất nóng nhưng khi dừng là lạnh, vì vậy ngoài trang phục mang trên người thì cần mang theo (càng ít càng tốt, nhưng phải có): i. 1 chai nước 0.5 lít pha muối nhạt, chanh và đường gluco. Mỗi lần uống chỉ một ngụm nhỏ và ngậm ở cổ họng trước khi nuốt. ii. Áo khoác nhẹ nhưng thật ấm. Mỗi lần dừng nghỉ là khoác ngay vào không nhiễm lạnh. iii. Thuốc lặt vặt: dầu trường sơn, thuốc đau bụng, sát trùng, urgo. iv. Salon gel chống mỏi cơ: Salon gel tốt hơn deep heat vì tác dụng nhanh hơn v. Áo mưa loại tốt. vi. Đồ ăn: 100 gr chocolate, 100 gr ruốc. vii. Ba lô: chọn ba lô tốt nhất là loại có múi ở phần tiếp giáp với lưng để thoáng khí. Ba lô nên có dây cài ngang thắt lưng và trên ngực để giữ cho ba lô chắc vào người khi di chuyển, tránh gây cản trở cho bạn hoặc kéo bạn về phía sau. Tổng khối lượng tự mang không nên quá 5 Kg . Lưu ý cả máy ảnh, máy quay phim… cũng là những khối lượng rất nặng.
b. Khuân vác mang: Tất cả phần còn lại nên để khuân vác mang, Lưu ý là không nên mang quá nhiều. Tổng khối lượng mang theo không quá 10 Kg. Những đồ do khuân vác mang nên gói kỹ trong các túi ni long dày và dai – túi ni lon siêu thị - ở ngoài có ghi tên cá nhân và những thứ bên trong.
c. Trang phục: Chuẩn bị những trang phục sau là cực kỳ quan trọng có thể ảnh hưởng đến chuyến đi:
- Quần: nên mặc quần rộng rãi, có thắt lưng, ko chật quá, ko rộng quá, nên mặc quần túi hộp để đựng các thứ linh tinh. Không nên mặc quần jeans. Tốt nhất là quần kaki rộng rãi một chút, phần gấu có thể có dây để thắt lại cho gọn gàng. Mang 2 cái là đủ, một cái mặc ban ngày và một cái giữ khô ráo mặc khi đi ngủ.
- Áo: tốt nhất là áo thấm mồ hôi, áo fông dài tay, thoải mái, ko chật quá, ko rộng quá. Nên đem theo áo len mỏng, áo khoác mỏng, để lúc dừng chân nghỉ khoác vào luôn khỏi lạnh. Thêm cả áo khoác ấm để ngủ đêm nữa (mà nếu đêm ngủ trong túi ngủ rùi thì thui nhỉ). Nên mặc nhiều áo mỏng hơn là ít áo dày để khi nóng mình cởi ra từng thứ một, tránh gây cảm lạnh.
- Giầy: tốt nhất là giày bộ đội vải cao cổ: mềm, bám chắc, bền, không đau chân. Mua ở Lê Duẩn (ga Hà Nội) khi mua nhớ nhắc người bán là mua loại cấp phát: khi bẻ gập đế cao su thì đế đàn hồi rất tốt (vì còn một loại khác - kế hoạch 3 - loại này chỉ đi vài lần là hỏng, gãy đế). Giá 30.000 đ/đôi.
- Tất: ngoài mỗi ngày 1 đôi tất, nên mang thêm một đôi tất chống vắt của bộ đội, dày và ấm đến tận đầu gối, khi ngủ rất ấm chân. Lưu ý khi mua tất và giày thì phải đi thử cả hai vì tất này rất dày, nếu mua giầy đúng số chân mình thì đi rất chật. Giá 10.000 đ/đôi. Đi 2 đôi tất sẽ làm giảm sự cọ xát với giầy, tránh chân bị rộp. Nếu bạn e ngại bọn vắt thì nên có thêm một đôi tất dài, ít nhất là tới đầu gối. Tất chống vắt ngoài Lê Duẩn bán cũng chỉ đơn thuần vậy thôi. Có cả loại tất nilon để đi ra ngoài chống ướt, loại này rất nhanh rách, mỗi ngày sẽ cần thay ít nhất 1 lần. Có thể tìm ở Yết Kiêu.
- Bọc khớp mắt cá và bọc đầu gối: hai cái bọc chân này đảm bảo không bị chấn thương khi va chạm, đồng thời khi xuống núi nó giữ cho khớp xoay đúng vị trí, tránh trẹo khớp. Mua ở Trịnh Hoài Đức.
- Găng tay: Găng tay cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta thoải mái bám víu vào mọi nơi. Không nên dùng găng tay da, hơi cứng. Găng tay mua loại bảo hộ lao động dệt bằng vải sợi, có gai nhựa mặt trong, ở phố Yết Kiêu. Giá 4.000 đ/đôi.
- Mũ: Mũ mềm, nếu trời lạnh thì nên có một mũ kiểu biên phòng, trùm tai và gáy. Giá 8.000 đ/chiếc.
- Ngoài ra mỗi người cần đeo một cái còi ở trên cổ (24/24) đề phòng lúc cần báo động (như bị tai nạn, cần trợ giúp…)
- Dép lê đi buổi tối.
- Túi nilon để phân loại quần áo và để các thứ linh tinh
- Đèn pin, dao, kéo, bật lửa
- Đồ dùng vệ sinh: khăn mặt, bàn chải

Cuối cùng, có 1 cái vô cùng quan trọng, đó là ý chí, quyết tâm leo lên đến đỉnh, ko lên đến nơi ko về.

Một số lưu ý khi leo dốc:
- Trong khi leo, nếu các bạn mệt, nên dừng lại 1 chút, chống 2 tay xuống đầu gối hít thở đều, ăn socola, uống nước muối loãng, tuyệt đối không được ngồi xuống, vì như vậy sẽ không muốn đi nữa.
- Nên mang theo Orezone không hẳn để tránh trường hợp tiêu chảy mà do leo núi mồ hôi làm mất khá nhiều nước trong cơ thể. Uống nước Orezone là biện pháp cần thiết để giữ sức khoẻ. Tránh mang bánh ngọt, bích quy vì sẽ rất tốn nước uống. Bữa ăn chính có thể là mì gói, ruốc thịt hoặc bánh mì thịt hộp. Có thể kiếm được măng rừng trên đường đi...
- …
Deadline chốt danh sách là 10/3 nhé!

Thông tin tham khảo thêm từ:
http://phonglansapa.com/vi/
http://vn.myblog.yahoo.com/hhdsfansipan
http://ttvnol.com/forum/f_233.ttvn

HÀNH TRÌNH 1 TOUR DU LỊCH
(tham khảo)

* Lịch trình đi Fansi: Buối tối 03/04/2009. Đoàn tập trung tại Ga Trần Quý Cáp - Ga đi Lào Cai).
Ngày thứ nhất (Sáng 04/04):
- Có người cầm biển ghi tên đoàn và đón đoàn tại Ga. Xe Ford 16 chỗ đón đoàn ở ga Lào Cai, về Sapa là 7h;
- 7h có mặt tại KS Trung Nguyên. Tắm giặt, nghỉ ngơi và Ca-Fe tại văn phòng KS Trung Nguyên (có 2 phòng để nghỉ và gửi đồ).
- Chuẩn bị đồ đạc & trang bị để leo Fansi.
- Đi ô tô đến làng Cát Cát để bắt đầu leo.
- Đoàn ta sẽ xuất phát từ độ cao 1500m để đi đến độ cao 2200m và hạ trại tại đây.

Ngày thứ hai
- Leo từ đỉnh 2.200 đến 2.900. Nghỉ ngơi. Chiều leo xuống 2700 cắm trại tại đây.

Ngày thứ ba
- 7h xuất phát và lêo đến đỉnh FAN ở độ cao 3143m. Thời điểm lên đỉnh khoảng 11h trưa.
- Sau đó, chúng ta xuống bằng đường Trạm Tôn và hạ trại ở độ cao 2200
- Nghỉ đêm.

Ngày thứ tư
- Khoảng 7h chúng ta bắt đầu xuất phát để trở về cửa rừng. 11-12h trưa có mặt tại thị trấn Sa Pa.
- Tắm rửa tại KS Trung nguyên.
- Chiều có thể đi chơi thăm quan thị trấn Sa Pa.
- Chiều tối (nếu đoàn xuất phát về Hà Nội, xe Ford 16 chỗ đón đoàn tại KS Trung Nguyên, mọi người lên ô tô ra ga Lào Cai. ) hoặc nghỉ đêm tại Sa Pa & ăn tết cùng PhongLan Group.

Chi phí trọn gói gồm:
1.650.000 VNĐ/1 pax (áp dụng cho đoàn 6-8 người)
1.550.000 VNĐ/1 pax (áp dụng cho đoàn 9-10 người)
1.4500.000 VNĐ/1 pax (áp dụng cho đoàn >11 -14 người)

- Porter: 2 Người 1 porter chuyên nghiệp vác đồ dùng & 1 porter mang đồ cá nhân cho khách; Mỗi porter mang tối đa 30kg.
- Lều trại: 2 lều loại 6 người ngủ/1 lều.
- Tấm bạt che mưa đảm bảo nước mưa không thấm vào lều và túi ngủ
- Túi ngủ loại dầy, ấm, êm;
- Xe đưa đón bao gồm: 1 xe đón cả đoàn loại xe 16 chỗ đi các lộ trình:
* Ga Lào Cai -> Sa Pa –> Ga Lào Cai
* Sa Pa - Cát cát (Cửa rừng)
* Trạm tôn - Sa Pa.
- Giấy phép tham quan (Bao gồm: bảo hiểm, vệ sinh, giám sát, vé….)
- Ăn, uống các bữa theo thực đơn dưới đây đảm bảo đủ lượng và chất:
- Phòng nghỉ tại Trung nguyên Hotel buổi sáng ngày đầu tiên và buổi chiều ngày cuối cùng (Khách nghỉ qua đêm, giá áp dụng cho đoàn là 70.000 VNĐ/1phòng đôi).
THỰC ĐƠN Update 08/01/2009
Các món đảm bảo tươi, ngon, đặc trưng của Sa Pa;
THỰC ĐƠN
Ngày 1:
Sáng: Mỳ tôm trứng.
Trưa:
1. Cơm nắm + Muối vừng + thịt lợn rán hoặc quay;
2. Hoa quả tráng miệng;
Chiều:
1. Rau tươi SaPa; Rau luộc giữ lại nước để làm canh
2. Thịt gà luộc chấm muối tiêu chanh
3. Khoai tây rán;
4. Đậu hũ rán;
5. Hoa quả tráng miệng, Lipton/café/trà gừng;

Ngày 2:
Sáng: Mỳ tôm trứng, rau, Café tan, lipton, trà gừng;
Trưa:
1.Bánh mì kẹp thịt và nấm hương sapa;
2. Hoa quả tráng miệng;
Chiều:
1. Rau tươi; Rau luộc giữ lại nước để làm canh
2. Thịt bò xào cần
3. Khoai tây chiên tỏi;
4. Nem rán;
5. Hoa quả tráng miệng, Lipton, café, trà gừng;

Ngày 3:
Sáng: mì tôm nấu với thịt bò/trứng và rau + Café, lipton, trà gừng;
Trưa:
1. Bánh mỳ + Thịt hộp + Dưa chuột;
2. Hoa quả tráng miệng;
Chiều:
- Gà bản nướng;
- Khoai tây chiên tỏi bơ;
- Ngọn su su xào;
- Bắp cải luộc;
- Rau cải mèo luộc;
- Canh cà chua trứng;
- Hoa quả tráng miệng;
- Lipton, café, trà gừng;

Ngày 4:
Sáng: như ngày 2;
Trưa, chiều, đòan tự túc.
Nghỉ tại KS Trung Nguyên.
6h 30 xe đón tại KS đưa ga Lào cai.
______________________________
Đồ dùng
1.Áo khoác nhẹ nhưng thật ấm dùng khi nghỉ ăn trưa hoặc tối.
2.Thuốc lặt vặt: dầu trường sơn, thuốc đau bụng, sát trùng
3.Áo mưa loại tốt. Loại như bộ quần áo càng tốt.
4.Ba lô loại nhỏ, nhẹ vừa vặn, ba lô này có thể chống nước nhưng nhẹ, có dây cài ở bụng.
5.Giầy: tốt nhất là giày bộ đội vải cao cổ
6. Tất : ngoài mỗi ngày 1 đôi tất, nên mang thêm một đôi tất chống vắt của bộ đội, dày và ấm đến tận đầu gối, khi ngủ rất ấm chân.
7.Găng tay.
8. Mũ vành rộng.
9. Dép lê nhẹ đi buổi tối.
10. Đồ dùng vệ sinh( Bàn chải, khăn mặt,....).
11. Đèn pin (2pax*1)
12. Quần & áo leo ban ngày (Buổi tối nhờ porter hong khô quần áo hộ). Quần & áo ấm ngủ buổi tối.
Hết.


Leo núi ??? Chuẩn bị những gì.

Du lịch khám phá,nhất là leo núi,ngày được nhiều bạn trẻ thích thú.Ngọn núi cao nhất 3 nước Đông Dương Phanxibăng 3,142m hay ngọn Kinabalu 4,095m (Malaysia) cao nhất Đông Nam Á hiện đang là đích chinh phục của nhiều bạn trẻ.

Có hơn 20 vật dụng bạn cần phải chuẩn bị, bên cạnh một chế độ tập luyện thể dục nghiêm túc. Bạn đừng lo khi phải mang quá nhiều vật dụng khi leo núi vì luôn luôn có sẵn các porter (người khuân vác) sẵn sàng mang vác hành lý cho bạn, chỉ cần trả một khoảng tiền theo mức có sẵn ở các khu du lịch.

Dưới đây là các vật dụng quan trọng không thể thiếu trong một chuyến du lịch qua đêm:

- Gậy: có thể là gậy chuyên nghiệp cho leo núi hoặc chỉ cần một cành cây chắc chắn. Gậy sẽ “đỡ” cho trọng lượng cơ thể của bạn rất nhiều nhất là những lúc “ xuống núi”.
- Kẹo: khi leo núi bạn luôn có cảm giác khô cổ nên kẹo ngậm, kẹo chewing gum, xí muội , muối … đều giúp cho tuyến nước bọt hoạt động, giảm khô cổ.
- Bật lửa: bật lửa có thể giúp bạn đề phòng rất nhiều rủi ro trong khi leo núi như lạnh, lạc đường…
- Mắt kiếng có dây đeo: mắt kiếng cận hay kiếng mát đều cần có dây đeo để gắn vào cổ để phòng rơi mất.
- Tránh mặc áo len: áo len thường không kín vì có nhiều lỗ nhỏ nên gió lùa vào bạn sẽ không giữ được ấm. Áo nỉ là lựa chọn tới ưu.
- Nón, găng tay giữ ấm, không thấm nước: có nhiều đỉnh núi cao, khi leo núi bạn phải đối diện với cái lạnh, mưa… do đó nón, găng tay nên chọn loại không thấm nước. Nên chọn nón bịt che kín mũi, miệng, tai.
- Son tránh nẻ, kem chống nắng, kem chống khô da: các loại mỹ phẩm này cần thiết cho cả nam lẫn nữ. Vì khô môi, khô da sẽ khiến cho bạn có cảm giác đau rát.
- Đồng hồ điện thoại: đây là hai vật dụng chắc chắn là cần thiết. Khi đi leo núi ở nước ngoài, nên sử dụng dịch vụ roaming cho điện thoại.
- Balô: loại tốt, có chỗ để nước, áo mưa.
- Giày leo núi: loại tốt, có thể đi nước, có độ bám 4 hướng.
- Túi ngủ: nên chọn loại bằng nilông, không thấm nước.
- Còi: để đề phòng rủi ro, bạn nên mang còi, nhằm báo tin.
- Dao: đa năng, có thể cắt, gọt, rọc…
- Đèn pin đeo trán: để đề phòng khi trới tối mà vẫn chưa đến nơi.
- Mứt gừng, bạc hà: có tác dụng làm nóng cơ thể.
- Chocolate, viên năng lượng: là nguồn cung cấp năng lượng gọn gàng nhất.
- Vitamin C: nên cho C sủi vào nước uống khi leo núi.

Bên cạnh đó, các dụng cụ khác như túi thuốc cấp cứu, giấy vệ sinh… là những thứ mà một người du lịch không thể nào quên.

Tập luyện trước khi leo núi
- Các bác sĩ đã tư vấn rằng, những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, suy hô hấp và có thai không nên leo núi. Những ngày trước khi leo núi nên ăn đủ chất bổ dưỡng,đầy đủ vitamin C, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, thuốc lá và quan trọng là cần ngủ đủ 7giờ trên ngày.
- Đối với những người đang dùng thuốc điều trị dài ngày thì đừng quên mang theo thuốc trong chuyến đi.
- Bạn cò thể tập đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, bơi, nín thở trong vòng 90 giây, đứng lên ngồi xuống từ 400 - 1000 cái liên tục, tập đứng thăng bằng một chân, nhắm mắt 90 giây… trước khi leo núi một tuần - một tháng để tăng độ bền, dẻo dai cho cơ thể.